20/10/14

Vitamin B3 (Niacin, Vitamin PP)

Vitamin B3 (Niacin, Vitamin PP)


Cấu trúc
Bao gồm 2 cấu trúc hóa học là nicotinic acid và nicotinamide (còn gọi là niacinamid). Thể hoạt động trong cơ thể người là nicotinamide. Nicotinic acid trong thức ăn dễ dàng được chuyển đổi thành nicotinamide trong cơ thể.

Vai trò:
Là thành phần của coenzyme NAD (Nicotinamide Adenin Dinucleotide) và NADP (Nicotinamide Adenin Dinucleotide Phosphate), có vai trò chủ yếu trong quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng đa lượng như chất đường, chất béo và chất cồn để sinh năng lượng.

Nhu cầu
Nhu cầu khuyến nghị Vitamin B3 hàng ngày của Việt Nam là 14 - 16mg NE. Do nhu cầu không cao và ít khi bị thiếu hụt nếu chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất đạm, nên vitamin B3 không được đưa vào bảng nhu cầu khuyến nghị bắt buộc của nhiều quốc gia.

Vitamin B3 có thể được tạo thành từ amino acid tryptophan trong thức ăn động vật với tỉ lệ chuyển đổi là 60mg tryptophan thành 1mg Vitamin B3. Vì vậy, người ta thường sử dụng đơn vị Niacin Equivalent (NE) trong khuyến nghị dinh dưỡng đối với Vitamin B3. Ví dụ một loại thực phẩm cung cấp 1mg Vitamin B3 và 60mg Tryptophan sẽ được tính là cung cấp 2mg NE Vitamin B3.

Nguồn cung cấp
Các thức ăn cung cấp Vitamin B3 chủ yếu là thức ăn động vật như gan, thịt gà, thịt bò, thịt heo, cá ngừ, sữa và các chế phẩm sữa như bơ, phô mai... và một ít trong các thức ăn thực vật như khoai tây, chuối.

Đặc điểm liên quan đến bệnh lý
Thiếu Vitamin B3 sẽ gây bệnh lý Pellagra, biểu hiện chủ yếu là hiện tượng viêm vô trùng trên bề mặt niêm mạc da nơi tiếp xúc với ánh nắng, viêm lưỡi, thể nặng có thể có biểu hiện nôn ói, đau bụng và các biểu hiện thần kinh như kém nhớ, nhức đầu, giảm hoạt động, lãnh đạm...

Hầu như không bao giờ có tình trạng dư thừa Vitamin B3 trong cơ thể nếu chỉ cung cấp một cách tự nhiên qua thực phẩm. Tình trạng ngộ độc Vitamin B3 chỉ có khi bổ sung quá liều bằng các chế phẩm tổng hợp dạng Nicotinic Acid (liều từ 3 - 4 lần nhu cầu khuyến nghị). Sự gia tăng Nicotinamic trong máu không gây triệu chứng ngộ độc Vitamin B3.

Triệu chứng đặc hiệu nhất của ngộ độc Vitamin B3 cấp là biểu hiện "đỏ bừng mặt do Vitamin B3" (nicacin flush) trong đó các mao mạch bị giãn nở và tăng nhạy cảm da đến mức đau rát. Ngoài ra, có tình trạng giảm Cholesterol trong máu. Trong quá khứ, Vitamin B3 dạng Nicotinic Acid đã từng được dùng để điều trị tăng Cholesterol máu trước khi người ta nhận ra tác dụng phụ nghiêm trọng làm tổn thương gan và tăng kích thước khối ung thư. Tình trạng ngộ độc Vitamin B3 mạn tính có thể dẫn đến các dấu hiệu sau ở giai đoạn muộn: Tiểu đường, viêm gan, loét dạ dày, thống phong, rối loạn nhịp tim, viêm ruột mạn (IBD - Imflammatory Bowel Disease), đau đầu Migrain và nghiện rượu.


Tài liệu tham khảo:
1) Dinh dưỡng học - Nhà xuất bản Y học 2011

Chia sẻ kiến thức cho bạn bè:

Bs. Nguyễn Văn Anh

Theo dõi qua

         

Gửi thắc mắc