3/4/15

I ốt (Iodine - Iodide)

I ốt (Iodine - Iodide)


I ốt là một vi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần với một số lượng rất nhỏ, nhưng chức năng thì lại rất lớn, thậm chí quyết định khả năng trí tuệ của một sinh vật. Khoa học đã biết rõ vai trò của I ốt trong cơ thể và đã thiết lập được nhu cầu i ốt hàng ngày ở người. I ốt tồn tại trong thực phẩm dưới dạng Iodine (phân tử I2 ) và trong cơ thể là Iodide (Ion I-)

Vai trò

I ốt là thành phần cấu trúc căn bản của nội tiết tố tuyến giáp. Nội tiết tố này tác dụng trên tất cả các tế bào của cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động của các tuyến nội tiết khác. Vai trò của I ốt chính là vai trò của nội tiết tố tuyến giáp.
- Sinh sản và biệt hóa tế bào, đặc biệt quan trọng là tế bào xương và thần kinh
- Điều hòa thân nhiệt
- Tạo tế bào máu
- Điều phối hoạt động của hệ thần kinh, cơ
- Điều phối hoạt động sử dụng oxy của tế bào
- Tham gia quá trình chuyển hóa năng lượng nội tế bào...

Hấp thu và chuyển hóa trong cơ thể

Iodine trong thức ăn vào ống tiêu hóa sẽ được chuyển thành Iodide và được hấp thu vào máu dưới dạng này. Sau khi vào máu, Iodide được đưa thẳng đến tuyến giáp trạng. Hoạt động của tuyến giáp sẽ được điều phối bởi một nội tiết tố từ tuyến yên, là TSH (Thyroid Stimulating Hormone). Khi cơ thể cần nội tiết tố tuyến giáp, TSH sẽ được tiết nhiều hơn, kích thích tế bào tuyến giáp hoạt động mạnh hơn để tăng tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp. Tuyến giáp tổng hợp nội tiết tố T4 (Tetra-Iodethyronine) thường được gọi là Thyroxine. T4 được vận chuyển đến tế bào đích theo dòng máu. Tại đây, Thyroxine được chuyển thành T3 (Tri-Iodothyronine) là dạng hoạt động của nội tiết tố tuyến giáp.

Nhu cầu

Nhu cầu Iodine hàng ngày là 55mcg ở người trưởng thành (nhu cầu khuyến nghị của Hoa Kỳ). I ốt chưa được đưa vào bảng nhu cầu khuyến nghị của người Việt Nam.

Nguồn cung cấp

Trong quá khứ, I ốt có thể tồn tại trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ các vật nuôi, cây trồng phát triển trên các vùng đất giàu I ốt. Dù vậy, cho đến hiện nay, nguồn cung cấp I ốt duy nhất từ thực phẩm là các loại hải sản, vì trong quá trình xâm thực, lũ lụt đã cuốn trôi phần lớn I ốt trên bề mặt trái đất ra biển.

Nhu cầu I ốt hàng ngày thực ra không cao và dễ dàng được đáp ứng bởi một chế độ ăn đa dạng và có hiện diện các loại hải sản như cá biển, rong biển... Tuy vậy, đa số các quốc gia hiện nay bổ sung I ốt vào muối ăn để cung cấp cho cộng đồng hàng ngày để giải quyết tình trạng thiếu hụt I ốt trong các vật nuôi cây trồng phát triển trên các vùng đất đã bị xâm thực và trở nên thiếu I ốt. Muối I ốt đươc kể là nguồn cung cấp I ốt chính hiện nay cho người Việt Nam.

Đặc điểm liên quan đến bệnh lý

Do nội tiết tố tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa năng lượng và sinh sản tế bào, nên thiếu hụt I ốt liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe, nhất là thiếu hụt xảy ra ở trẻ em và phụ nữ mang thai.

Ở người lớn, thiếu I ốt đưa đến tình trạng nhược giáp, mệt mỏi, giảm khả năng lao động cả về thể chất lẫn trí tuệ, tăng cân, tích tụ mỡ không phù hợp, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt (hay lạnh), bướu giáp...

Thiếu I ốt ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến sinh non, thai chậm phát triển, thai chết lưu và đáng quan ngại nhất là bệnh đần độn ở thai nhi.

Thiếu I ốt ở trẻ em trong độ tuổi tăng trưởng sẽ làm trẻ chậm phát triển thể chất và trí tuệ, cơ thể thấp lùn, giảm chỉ số IQ, thiếu máu...

Thừa I ốt có thể gặp trong một số trường hợp bổ sung I ốt dưới dạng thuốc với liều cao. Các biểu hiện của thừa I ốt cũng tương tự dấu hiệu thiếu I ốt như phì đại tuyến giáp, chậm phát triển bào thai, suy giáp... Tuy nhiên, do ngưỡng độc của I ốt khá cao so với nhu cầu khuyến nghị (1.1 mg = 1100mcg gấp nhiều lần so với liều khuyến nghị 55mcg), nên ngộ độc I ốt ít khi xảy ra.



Tài liu tham khm
1) Dinh dưỡng học - Nhà xuất bản Y học 2011 

Chia sẻ kiến thức cho bạn bè:

Đăng nhận xét

Bs. Nguyễn Văn Anh

Theo dõi qua

         

Gửi thắc mắc