20/6/16

Cân nặng và những vấn đề liên quan trong lâm sàng

Cân nặng và những vấn đề liên quan trong lâm sàng


Một số định nghĩa về cân nặng

Cân nặng: Là chỉ số kg (hay đơn vị khác) đo được khi đưa một người lên cân đo.

Cân nặng chuẩn, cân nặng lý tưởng: Là cân nặng nên có của một người để có được sức khỏe tốt nhất.

Cân nặng chuẩn: Standard Body Weight (SBW). Sử dụng phổ biến ở Nhật bản.
Công thức tính: SBW = Chiều cao (m) x chiều cao (m) x 22
Tôi  thích sử dụng chỉ số cân nặng chuẩn trên lâm sàng bởi tính chất đơn giản và sự tiện dụng của nó: Dễ nhớ, dễ dùng và tính rất nhanh.

Trong trường hợp bệnh nhân bị mất tay chân, cân nặng chuẩn cần trừ đi khối lượng phần cơ thể bị mất.

Cân nặng lý tưởng: Ideal Body Weight (IBW). Sử dụng phổ biến ở Châu Âu
Công thức tính:
Nam: IBW (kg) = 50 kg + 2.3 kg cho mỗi inch chiều cao trên 5 feet.
Nữ : IBW (kg) = 45.5 kg + 2.3 kg cho mỗi inch chiều cao trên 5 feet.
Công thức này chỉ nên tham khảo cho biết. Nó nhiều thông số tính toán, khó nhớ và phải chuyển đổi đơn vị inch và feet sang centimét hoặc mét vì đơn vị inch và feee ít sử dụng ở Việt Nam.

Cân nặng thực tế: Là cân nặng của bệnh nhân sau khi loại bỏ các yếu tố khiến cân nặng của bệnh nhân tăng thêm (quần áo, phù, mang tay/chân giả...) hay giảm đi (mất chi). Sau đây là công thức tính cân nặng thực tế:

Khi bệnh nhân mặc quần áo:
- Đồ bệnh viện trừ 0,2 kg
- Đồ vải mỏng trừ 0,3 kg
- Quần tây trừ 0,5 kg
- Quần Jean trừ 0,8 kg

Khi bệnh nhân có phù
- Phù nhẹ trừ 1 kg
- Phù trung bình trừ 2 kg
- Phù nặng trừ 10 kg

Khi bệnh nhân có mang tay chân giả
- Có tay giả trừ 1 kg
- Có chân giả trừ 2 kg
- Nếu mang chân giả có cả đai lưng trừ 4,5 kg

Khi bệnh nhân bị mất chi: Dựa vào phần chi bị mất, ta tính được cân nặng thực tế dựa trên phần trăm cân nặng cơ thể đã đã qua bảng sau
Phần cơ thể mất % khối lượng
Toàn bộ tứ chi 50
Bàn tay 0.7
Cẳng tay + Bàn tay 2.3
Một phần cánh tay + cẳng tay + bàn tay 2.7
Toàn bộ tay 5
Bàn chân 1.5
Cẳng chân + bàn chân 5.9
Một phần đùi + cẳng chân + bàn chân 10.1
Toàn bộ chân 16
Osterkamp LK., Current perspective on assessment of human body proportions of relevance to amputees, J Am Diet Assoc. 1995;95:215-218.

Cách tính cân nặng

1. Sử dụng thiết bị đo cân nặng
Cân đứng: Được sử dụng khi bệnh nhân có thể đứng được, đơn giản chỉ cần đưa bệnh nhân đứng lên cân và xem kết quả.
Cân ngồi, cân nằm: Cân chuyên dụng được dùng khi bệnh nhân không thể đứng được. Bệnh nhân được đo cân nặng khi đang ngồi hoặc nằm trên vật chuyên chở (ghế, xe lăn hoặc băng ca...). Cân nặng của bệnh nhân được tính gián tiếp bằng cách trừ đi cân nặng của vật chuyên chở sau khi cân cả bệnh nhân và vật chuyên chở. Hoặc cân nặng của bệnh nhân cũng có thể tính trực tiếp bằng cách đưa vật chuyên chở lên cân trước sau đó thiết lập chỉ số đo của cân trở về 0 rồi mới đưa bệnh nhân lên vật chuyên chở.

2. Ước lượng cân nặng bằng mắt
Trong trường hợp không thể hay chưa thể đo cân nặng của bệnh nhân được, việc ước lượng cân nặng của bệnh nhân bằng mắt là cần thiết. Bạn hãy luyện tập kỹ năng này thường xuyên bằng cách ước lượng cân nặng của bệnh nhân mỗi ngày, sau đó đối chiếu với kết quả khi sau khi đưa bệnh nhân lên thiết bị đo cân nặng.

Chỉ cần sai số bằng 10kg hoặc thấp hơn là cũng phù hợp và có hiệu quả cho việc thiết lập kế hoạch điều trị ban đầu. Ngay cả các chuyên gia của nước ngoài cũng thường xuyên sử dụng và giới thiệu phương pháp này trong các cuộc tập huấn (có tôi tham dự). Bạn càng luyện tập nhiều, bạn sẽ càng tự tin hơn trong việc ước lượng cân nặng của bệnh nhân.

Sử dụng các chỉ số cân nặng trong lâm sàng

Cân nặng chuẩn: Được sử dụng để tính nhu cầu đạm ở bệnh nhân thiếu cân và tính nhu cầu năng lượng.
Cân nặng thực tế: Được sử dụng để tính nhu cầu đạm ở bệnh nhân thừa cân và tính nhu cầu nước.




Chia sẻ kiến thức cho bạn bè:

Đăng nhận xét

Bs. Nguyễn Văn Anh

Theo dõi qua

         

Gửi thắc mắc