1/1/15

Năng lượng

Năng lượng


Năng lượng là gì

Năng lượng được định nghĩa là “khả năng để làm việc”. Tất cả mọi hoạt động trong tự nhiên đều cần phải có năng lượng để hoạt động hay gọi là "làm việc".

Nguồn gốc của năng lượng

Nguồn gốc của năng lượng trong cơ thể sống là từ mặt trời. Trước tiên, qua quá trình quang hợp, cây xanh đã lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời chiếu trên lá và giữ năng lượng trong các liên kết hóa học glucose. Từ đó, cây xanh có thể tổng hợp nên các chất dinh dưỡng như chất béo, chất đạm, chất đường và những chất khác để đáp ứng các nhu cầu đời sống. Tiếp đó con người và các loài động vật lấy năng lượng và các chất dinh dưỡng qua việc ăn các loại thực vật hay thịt của các loài động vật khác.

Năng lượng để làm gì

Cơ thể lấy, tạo và sử dụng năng lượng từ các chất đường, chất đạm, chất béo và chất cồn trong bữa ăn. Qua quá trình tiêu hóa, các liên kết hóa học bên trong thức ăn bị phá vỡ và giải phóng năng lượng phục vụ cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Ví dụ như các phản ứng hóa học giúp đồng hóa và duy trì các mô cơ thể, dẫn điện trong hoạt động thần kinh, hoạt động cơ học của cơ bắp và sinh nhiệt để duy trì thân nhiệt.

Nhu cầu năng lượng là gì

Nhu cầu năng lượng được định nghĩa là lượng năng lượng thu được từ bữa ăn, cần thiết để duy trì cân bằng năng lượng ở một người khỏe mạnh với tuổi, giới, trọng lượng, chiều cao, và mức hoạt động thể lực tương ứng. Ở trẻ em, phụ nữ mang thai hay phụ nữ đang cho con bú, nhu cầu năng lượng sẽ cao hơn vì cần thêm cho sự tăng trưởng, hình thành thai nhi, và hoạt động tiết sữa.

Thừa và thiếu năng lượng

Trọng lượng cơ thể là một chỉ số đánh giá sự đầy đủ hay thiếu hụt năng lượng. Cơ thể có khả năng lấy năng lượng từ các chất đường, chất đạm, chất béo để phục vụ cho các nhu cầu năng lượng. Việc tiêu thụ năng lượng quá nhiều hay quá ít sau một thời gian sẽ dẫn đến những thay đổi về cân nặng. Tiêu thụ quá nhiều sẽ tăng cân, tiêu thụ quá ít sẽ giảm cân. Tuy trọng lượng cơ thể có thể đánh giá sự đầy đủ hay thiếu hụt năng lượng nhưng nó không cho biết sự đầy đủ hay thiếu hụt các chất dinh dưỡng đại lượng và vi lượng.


Tài liệu tham khảo:
1. Krauses Food & Nutrition Therapy 2008.

Chia sẻ kiến thức cho bạn bè:

Bs. Nguyễn Văn Anh

Theo dõi qua

         

Gửi thắc mắc